Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

LÀNG NGHỀ KIM HOÀN

Nằm bên bờ sông Tô Lịch, làng Định Công thượng còn gọi là Định Công kim hoàn (thuộc huyện Thanh Trì ngày nay).

 
Đây là làng chạm vàng bạc nổi tiếng. Ngoài làng Định Công, ngay giữa nội đô thành phố Hà Nội ngày nay trên phố Hàng Bạc cũng là nơi tập hợp các thợ kim hoàn vốn gốc Định Công. 

Ở nước ta, hai kinh đô Thăng Long và Huế là nơi có lịch sử truyền thống lâu đời mang tính tập trung của những người thợ làm vàng bạc nổi tiếng, những nghệ nhân đó đã được lớp hậu duệ tôn thờ mãi cho tới ngày nay. Ở kinh đô Thăng Long trước đây, làng Đình Công Thượng là cơ sở phục vụ vàng bạc sớm nhất cho kinh thành Thăng Long. 

Dân gian kể lại rằng, vào cuối thế kỷ VI, ở làng Đình Công có ba anh em họ Trần là Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền, do nghèo khổ dưới ách thống trị của nhà Đường làm cho anh em họ Trần phải tha phương cầu thực tới một nước láng giềng, rồi từ đó họ học được nghề kim hoàn. Khi trở về quê hương, họ truyền nghề cho dân làng. 

Sau này làng Đình Công có nghề truyền thống vàng bạc phục vụ thị trường ở Thăng Long. Từ thế kỷ XVIII, XIX khi nền kinh tế Thăng Long, Hà Nội ngày một phát triển cao, những nghệ nhân này mới đi dần lên Thăng Long hành nghề bằng chuyên môn của mình là các đồ nữ trang như hoa tai, xuyến, vòng... ở phố Hàng Bạc ngày nay. Thế kỷ XV, khi ngành luyện kim ở nước ta tiến bộ, nghề đúc bạc nén bước vào giai đoạn mới, thoát thai từ làng Trần Khê (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Hưng).


Qua những hoa văn, hoạ tiết trang trí trên các sản phẩm, ta cũng nhận rõ đức tính kiên trì, sự thông minh khéo léo, óc sáng tạo của những người thợ kim hoàn Việt Nam.

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Ông tổ nghề kim hoàn

Ông Cao Đình Độ sinh năm 1744 tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân từ một gia đình nông dân, thuở thiếu thời ông rất ham học và được truyền thụ nền giáo dục của đạo Nho. Lớn lên ông làm nghề bịt đồng. Thế nhưng, niềm đam mê lớn trong ông là trở thành một người thợ kim hoàn xuất sắc. Ước mơ mãnh liệt ấy ngày đêm luôn thôi thúc, buộc ông lên đường “tầm sư học đạo”. Để học được nghề, ông phải cải trang người Hoa xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long (Hà Nội). Bởi thời kỳ này chỉ có người Trung Hoa mới nắm được cách chế tác và độc quyền sản xuất, buôn bán vàng bạc.




Tính hiếu học và lòng trung thực của ông khiến chủ tiệm kim hoàn người Hoa cảm động, quý mến và truyền nghề cho ông. Mặc dù người Hoa có tiếng là giữ nghề, không truyền cho người ngoài, nhưng với tư chất thông minh, lanh lợi sẵn có, ông quan sát tìm hiểu và nắm bắt được biết quyết nghề kim hoàn của người Hoa. Với ý chí phải học cho thành tài, ông học cả cách chế tạo dụng cụ cần thiết của nghề chạm trổ vàng bạc và không từ chối bất cứ việc gì chủ sai bảo. Công sức của ông đã được đền đáp xứng đáng, tay nghề ông ngày càng thành thạo và đạt trình độ kỹ thuật tinh xảo đủ sức tranh tài với những thợ kim hoàn người Hoa khác tại đất Thăng Long thời bấy giờ.

Năm 1783, Ông Cao Đình Độ đưa vợ con vào làng Kế Môn, huyện Phong Điền, Thuận Hóa lập nghiệp và truyền nghề cho con. Thừa hưởng đức tính thông minh của cha, cong trai ông – Cao Đình Hương, tiếp thu nghề kim hoàn một cách nhanh chóng và trở thành một nghệ nhân thành thục trong nghề. Tại Thuận Hóa, Ông Cao Đình Độ có thu nhận để tử, truyền nghề cho họ. Làng Kế Môn trở thành làng nghề kim hoàn từ đó.

Dưới thời vua Quang Trung, danh tiếng Ông Cao Đình Độ được lan truyền đến triều đình. Năm 1790, vua Quang Trung triệu hai cha con ông cùng một số thợ bạc ở làng Kế Môn vào triều để lập cơ vệ Ngân Tượng, nơi chuyên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc và đồ trang sức cung điện. Trước công đức và những đóng góp lớn lao đó, ông được triều đình phong chức Lãnh Binh, cùng gia đình sống tại làng Cao Hậu, huyện Hương Trà.

Đến khi Nguyễn Ánh lập nên triều Nguyễn, lấy niên hiệu Gia Long vào năm 1802, tất cả mọi thành tựu văn hóa dưới triều Quang Trung điều bị phá hủy, chỉ duy nhất ngành Ngân Tượng được bảo tồn. Hai cha con ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương cũng như nhóm thợ làng Kế Môn vẫn được vua Gia Long trọng dụng, cấp bổng lộc và giữ nguyên tước cũ để tiếp tục nghề kim hoàn trong cung điện.

Năm 1810, Ông Cao Đình Độ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi. Mặc dù còn được kế tục sự nghiệp của cha trong triều với chức quan Lãnh Binh, nhưng bằng cách nhìn nhạy bén của người trong nghề, Cao Đình Hương nhìn thấy hoài bão của cha mình sẽ bị mai một theo thời gian, không những thế, nghề kim hoàn sẽ bị thất truyền nếu ông chỉ quanh quẩn phục vụ trong cung vua. Cao Đình Hương quyết định từ quan về nhà để tìm người nối nghiệp gia đình. Nghề kim hoàn ở miền Trung từ đó mà được nhân rộng.

Cảm phục tài nghệ và danh tiếng Cao Đình Hương, quan Thượng thư bộ Lại lúc bấy giờ là Trần Minh, cùng vợ là Huỳnh Thị Ngoc (dưới thời Gia Long) mời ông về dinh phủ dạy nghề kim hoàn cho ba người con trai: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và ba người cháu: Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật. Ròng rã suốt 11 năm truyền dạy cho các học trò, năm 1821, Ông Cao Đình Hương qua đời. Trước khi mất, tâm huyết sau cùng của ông là mong muốn học trò của mình đem nghề kim hoàn truyền bá rộng rãi trong dân gian.

Theo di chúc của thầy, ba anh em Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền ngược ra Thăng Long (Hà Nội) mở lò thu nhận đệ tử. Riêng anh em họ Huỳnh theo dòng người lập nghiệp xuôi vào phương Nam, đến Phan Thiết thì dừng chân, vừa thu nhận đệ tử truyền nghề, vừa để tưởng nhớ một người anh em của mình đã qua đời tại đây. Nghề kim hoàn ở Phan Thiết được khai sinh từ đó.

Ở miền Nam, nghề kim hoàn lúc ấy vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Theo ước nguyện của thầy, từ Thăng Long, anh em họ Trần bắt đầu cuộc hành trình xuôi vào Phương Nam. “Đất lành chim đậu”, điểm dừng chân của họ là Gia Định - Chợ Lớn, nơi có thương cảng sầm uất, hội tụ thương hồ từ các tỉnh lân cận, kể từ Cao Miên (Campuchia), Xiêm La (Thái Lan), đến buôn bán náo nhiệt. Ba ông chọn địa điểm cách Chợ Lớn khoảng một dặm (cảng Bình Đông ngày nay) mở lò thợ bạc tại đây lại có điều kiện phát triển rộng khắp.

Sau khi truyền nghề cho 36 lò thợ bạc ở Chợ Lớn, anh em họ Trần lại tiếp tục hành trình đến các tỉnh miền Tây, ngược qua Campuchia, Thái Lan… rồi qua đời ở đâu không ai biết. Nếu như tiền tổ họ Cao có công khai sáng nghề Kim Hoàn, thì họ Trần, Huỳnh chính là những người có công phổ biến nghề Kim Hoàn trên khắp đất nước, suốt từ Bắc vào Nam. Họ được người trong nghề tôn vinh là tổ sư đời thứ Hai của ngành kim hoàn Việt Nam.


Công lao của các tổ sư kim hoàn không chỉ được người đời sau luôn ghi nhớ, mà còn nhận được nhiều sắc phong của triều đình, đặc biệt dưới triều Nguyễn. Hiện nay, tại nhà thờ tổ nghề kim hoàn ở Huế và Lệ Châu hội quán (Thành Phố Hồ Chí Minh) còn lưu giữ nhiều bản sắc phong của các vua nhà Nguyễn. Đó là hàm cấp bậc “Tiến sĩ khai hóa Kim Ngân” với phẩm tước đại triều “Dực Bảo Trung Hưng”, chức Lãnh Binh của vua Gia Long cho ông Cao Đình Độ. Sau khi mất ông còn được truy phong thêm tước hiệu “Đệ Nhất tổ sư”. Đến thời vua Minh Mạng, hai cha con Cao Đình Độ, Cao Đình Hương được sắc phong “Dực bảo Trung Hưng Linh Phò Bổn Xứ - khai hóa kim ngân Thế Tổ Cao Đình Độ tọa thần vị - Cao Đình Hương linh thần vị”, phong tước hiệu “Đệ nhị tổ sư” cho ông Cao Đình Hương, được ban đất xây lăng như các quan đại thần. Đời vua Khải Định năm thứ 9 và Bảo Đại năm thứ 13, hai ông được sắc phong “Dực bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần” cho người có công khai sáng ngành kim hoàn Việt Nam.

Lăng mộ hai vị Tổ sư đời thứ nhất đều tọa lạc tại phường Trường An về phía Nam thành phố Huế, trong đó lăng mộ đệ Nhất Tổ sư Cao Đình Độ xây dựng năm 1810, lăng mộ đệ Nhị Tổ sư Cao Đình Hương xây dựng năm 1821, theo kiến trúc văn hóa đặc trưng của triều Nguyễn. Đền thờ hai ông được đặt tại phường Phú Cát (Huế). Cả khu mộ và nhà thờ tổ nghề kim hoàn đã được Bộ Văn Hóa Thông tin cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị Tổ nghiệp, hằng năm, các thợ kim hoàn miền Trung (Huế) tổ chức lễ giỗ tổ Ông Cao Đình Độ vào ngày 27-2 (âm lịch). Tại làng Định Công (Hà Nội), giỗ tổ sư họ Trần, Phan Thiết giỗ tổ sư họ Huỳnh.

Qua những biến chuyển của thời đại, nghề kim hoàn không bị mai một mà còn được lưu giữ, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dù ngày nay, vàng bạc được sản xuất chủ yếu trên dây chuyền hiện đại, nhưng tổ thờ vẫn được coi trọng và tôn thờ.

Nghề Kim Hoàn

NHỮNG ĐIỀU MAY MẮN CUỐI TUẦN

Hôm nay mình và một số anh trong Ban chấp hành Hội Mỹ Nghệ Kim Hoàn Sài Gòn – SJA và Trường dạy nghề kim hoàn của Hội đi giao lưu và cúng chùa thờ Tổ Nghề Kim Hoàn tỉnh Tây Ninh.
Đây là lần đầu tiên mình đến đây và cũng là nhờ bạn thân báo tin và đăng ký cho đi theo dùm. Nào ngờ lúc làm lễ cúng mình được phát áo dài khăn đống trông rất trịnh trọng và được xem như thay mặt Hội ở Sài Gòn cúng chùa Tổ Tây Ninh.
NgheKimHoan
Vì mới quay lại với Tổ Nghề Kim Hoàn nên mình xem như đây là điều may mắn rất quan trọng các bạn ạ. Và thật sự mình rất xúc động khi làm lễ dâng hương đèn lên bàn thờ Tổ Nghề. Mong rằng điều may mắn này củng cố thêm niềm tin vào con đường mình đang đi các bạn ạ. Chúc các bạn cuối tuần cũng vui vẽ và may mắn.
NgheKimHoan - GioTo
Nguyễn Chí Cường
Nghề Kim Hoàn

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Vàng nội bất động dù vàng ngoại đang nóng

Giá vàng trong nước dường như vẫn bất động dù giá vàng thế giới đang nóng lên theo tình hình tài chính của Síp.

Vào lúc 8h45 sáng nay, giá vàng tại công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC rất ít thay đổi so với giá cuối ngày hôm qua và vẫn giao dịch dưới quanh 44 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC Hà Nội: Mua vào 43,92 triệu đồng/lượng; bán ra 44,02 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC Hồ Chí Minh: Mua vào 43,92 triệu đồng/lượng; bán ra 44 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng thay đổi chậm chạp. Giá vàng SJC: Mua vào 43,90 triệu đồng/lượng; bán ra 44,02 triệu đồng/lượng. Giá vàng Phượng hoàng PNJ-DAB: Mua vào 43,63 triệu đồng/lượng; bán ra 43,93 triệu đồng/lượng.

Công ty vàng bạc đá quý Doji điều chỉnh giá vàng giảm rất nhẹ. Giá vàng Doji Hà Nội (bán lẻ): Mua vào 43,92 triệu đồng/lượng; bán ra 43,99 triệu đồng/lượng. Giá vàng Doji Tp Hồ Chí Minh (bán lẻ): Mua vào 43,92 triệu đồng/lượng; bán ra 43,99 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tại công ty vàng bạc đá quý SBJ mua vào ở mức thấp nhất. Giá vàng SJC giao dịch ở mức: Mua vào - bán ra (43,80 triệu đồng/lượng – 44 triệu đồng/lượng). Giá vàng SBJ cũng giao dịch ở mức: Mua vào 43,80 triệu đồng/lượng - bán ra 44 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước ít biến động dù giá vàng thế giới đảo chiều, tăng đáng kể. Đêm qua, tại thị trường Mỹ, giá vàng giao tháng tư tăng 7,1 Usd/ounce lên 1.614,60 Usd/ounce, giá vàng giao ngay tăng 8,5 USD/ounce lên 1.615,75 USD/ounce.

Giá vàng tăng khi khủng hoảng tài chính tại Síp vẫn chưa có tín hiệu lắng dịu dù nước này không thông qua chính sách đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. Hiện tại, nhiều ngân hàng nước này vẫn đóng cửa cho tới tận tuần sau.

Tình hình đang trở nên khá rắc rối khi Nga muốn bắt tay vào giải quyết nhưng Liên minh châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế lại không muốn như vậy. Hiện tại, nhiều người trong giới siêu giàu tại Nga có lượng tiền rất lớn tại nhiều ngân hàng Síp.

Tới phiên giao dịch sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm rất nhẹ. Lúc này tại thị trường châu Á, giá vàng đang giao dịch ở mức 1.614,1 USD/ounce, giảm 0,7 USD/ounce. Trong phiên có lúc giá vàng gần giảm xuống 1.605 USD/ounce.

Giá vàng giảm dù đồng USD tiếp tục suy yếu. USD giảm 0.0012(0.10%) so với EUR, giảm 0.0018(0.12%) so với GBP, giảm 0.0014(0.12%) so với CAD và giảm 0.0003(0.03%) so với CHF. Trong rổ 6 đồng tiền mạnh, USD chỉ tăng so với JPY và AUD.

Trong khi đó, giá dầu lại hạ nhiệt. Giá dầu thô giao dịch ở mức 92,64 USD/thùng, giảm 0,14%, giá dầu brent giao dịch ở mức 107,47 USD/thùng, tăng 0,12%.

Nghề Kim Hoàn

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

7 biện pháp quản lý thị trường vàng


Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức trình Chính phủ dự thảo nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, gồm 7 chương 24 điều.

Các quy định của dự thảo nghị định này được xây dựng theo hướng tổ chức lại thị trường vàng thông qua việc Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ và can thiệp mạnh vào thị trường vàng nhằm ngăn ngừa hoạt động đầu cơ vàng, hạn chế kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn đảm bảo quyền tích trữ vàng, mua bán vàng của người dân.

Dự thảo nghị định xác định bảy biện pháp để tăng cường quản lý thị trường vàng sau khi được ban hành và đi vào đời sống.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng. Do hoạt động sản xuất vàng miếng có tác động rất lớn tới nguồn cung vàng miếng trong nước, nên để bình ổn thị trường vàng, hoạt động sản xuất vàng miếng cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Dự kiến với các điều kiện đưa ra trong nghị định, khi ban hành số lượng doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng sẽ giảm xuống đáng kể từ con số 8 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp hiện nay. Đồng thời, dự thảo nghị định cũng quy định rõ việc sản xuất vàng miếng được thực hiện theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước cấp từng lần.

Thứ hai, dự thảo nghị định thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng, không khuyến khích hoạt động mua bán vàng miếng.

Khắc phục bất cập trong quản lý hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng hiện nay (hoạt động mua bán vàng miếng được thực hiện khá tự do tại hầu hết 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng, gây khó khăn cho công tác quản lý và tăng nguy cơ vàng hóa”), dự thảo bổ sung quy định coi hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

“Với các điều kiện chặt chẽ, dự kiến số lượng doanh nghiệp được phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ thu hẹp đáng kể từ trên 10 ngàn doanh nghiệp như hiện nay xuống chỉ còn một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có khả năng tài chính, kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực kinh doanh vàng được phép tiếp tục thực hiện mua bán vàng miếng”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Như vậy, việc kinh doanh vàng miếng không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường tự do là hoạt động bất hợp pháp và sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của Nghị định 95/2011/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.

7 biện pháp quản lý thị trường vàng, Tài chính - Bất động sản, gia vang, ngan hang, gia vang hom nay, vang mieng, tai chinh, bao
Dự kiến với các điều kiện đưa ra, khi ban hành số lượng doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng sẽ giảm xuống đáng kể từ con số 8 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp hiện nay – Ảnh: Reuters.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, là cơ quan tổ chức và/hoặc cấp phép hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Quy định này cũng nhằm tạo điều kiện để quản lý, kiểm soát lượng vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu cũng như điều tiết cung – cầu trên thị trường, hạn chế tình trạng xuất nhập lậu vàng, đầu cơ, lũng đoạn thị trường.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý chặt chẽ hơn hoạt động sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo quy định tại dự thảo, hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải được cơ quan này cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Thứ năm, quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh vàng khác. Dự thảo nghị định quy định các hoạt động kinh doanh vàng khác, ngoài hoạt động được quy định trong dự thảo sẽ chỉ được phép thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp phép.

Với hoạt động kinh vàng trên tài khoản, hoạt động phái sinh về vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt tạo điều kiện cho hoạt động đầu cơ, gây bất ổn thị trường vàng, ngoại hối, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và quyền lợi của người dân, nên việc cho phép thực hiện các hoạt động này phải tùy thuộc vào điều kiện thực tế trong từng thời kỳ.

Thứ sáu, dự thảo có những quy định tạo cơ chế cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng khi có diễn biến bất thường qua các hoạt động: cấp phép sản xuất vàng miếng; tổ chức mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước; tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu; tổ chức huy động vàng.

Thứ bảy, nhà nước thực hiện điều tiết thị trường vàng thông qua chính sách thuế. Dự thảo nghị định quy định Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu vàng, thuế trị giá gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập đối với hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong từng thời kỳ.

Nghề Kim Hoàn

Vốn 500 tỷ đồng mới được sản xuất vàng miếng


Chỉ những doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm 25% thị phần trong nước trong 3 năm gần nhất mới được xem xét cho sản xuất, gia công vàng miếng là điểm mới trong dự thảo Nghị định về kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước.

Chiều nay, Ngân hàng Nhà nước đã công bố những nội dung chủ yếu trong dự thảo Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng bằng việc hạn chế số lượng các doanh nghiệp được cấp phép sản xuất. Chỉ khi đủ các điều kiện bao gồm: có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng miếng theo quy định, có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị đầy đủ; chiếm từ 25% trở lên thị phần sản xuất vàng miếng trong 3 năm liên tiếp gần nhất. Ngoài ra, số lượng vàng miếng được sản xuất sẽ quy theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước cấp, đồng thời tuân thủ quy định về nguồn gốc vàng nguyên liệu để ngăn chặn sử dụng vàng nhập lậu.

Vàng miếng
Số lượng các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng sẽ bị thu hẹp. Ảnh minh họa: Tuệ Minh.
Trong dự thảo tháng 6, Nghị định quản lý kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước chỉ nêu ra 2 phương án: Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất. Nếu cấp phép cho doanh nghiệp, cơ quan này sẽ quy định trình tự, thủ tục, số lượng trong từng thời kỳ. Nhưng trong dự thảo Nghị định trình lên Chính phủ lần cuối cùng này, Ngân hàng Nhà nước đã quy định cụ thể, phải có từ 500 tỷ đồng vốn điều lệ, chiếm 25% thị phần kinh doanh vàng miếng, doanh nghiệp mới được sản xuất vàng miếng.

Cùng với siết chặt hoạt động sản xuất, Ngân hàng Trung ương cũng khẳng định không khuyến khích mua bán vàng miếng và thu hẹp đối tượng được mua bán, kinh doanh. Nguyên nhân là hiện nay, hoạt động này bị thả nổi, tự do tại 12.000 doanh nghiệp vàng, khiến cho Ngân hàng Nhà nước khó khăn trong quản lý và tăng nguy cơ vàng hóa. Do đó, cơ quan này sẽ siết chặt hoạt động cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng.

Những doanh nghiệp muốn được chấp nhận, phải đủ các điều kiện: Thành lập theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có từ 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực mua bán vàng; đã nộp từ 500 triệu đồng trở lên tiền thuế của hoạt động kinh doanh vàng trong 2 năm năm gần nhất; có mạng lưới bán hàng từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Việc làm này, theo Ngân hàng Nhà nước, có thể khiến cho số lượng các doanh nghiệp được mua bán kinh doanh vàng miếng giảm từ trên 10.000 xuống còn một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có khả năng tài chính, kinh nghiệm, uy tín.

Trong dự thảo trình Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu thông điệp sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu nhằm kiểm soát số lượng, điều tiết cung cầu, hạn chế đầu cơ, nhập lậu vàng.

Việc sản xuất, mua bán vàng trang sức cũng bị siết chặt hơn. Các doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện do Ngân hàng Nhà nước cấp mới được xem xét kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Để hạn chế gian lận tuổi vàng, cơ quan này cũng dự kiến quy định doanh nghiệp phải đóng mã ký hiệu và hàm lượng trên sản phẩm và công bố tiêu chuẩn áp dụng. Khối lượng, hàm lượng vàng, giá mua, bán được niêm yết công khai tại điểm giao dịch.

Cho rằng sàn vàng, kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, các sản phẩm phái sinh về vàng… tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến cho đầu cơ phát sinh gây bất ổn thị trường vàng, ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh vàng khác ngoài dự thảo Nghị định, cấp phép hay không tùy thời kỳ.

Trong dự thảo trình Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất được thực hiện các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường khi có diễn biến bất thường. Cách thức thực hiện, theo đề xuất của Ngân hàng Trung ương có thể là cấp phép sản xuất vàng miếng; tổ chức mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước; xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu; huy động vàng. Việc làm này theo đó sẽ có thể khắc phục đầu cơ, lũng đoạn trên thị trường, tiết kiệm ngoại tệ để nhập khẩu vàng, duy trì chênh lệch giá giữa trong nước và quốc tế hợp lý nhất, hạn chế buôn lậu vàng.

Thị trường vàng được điều tiết thông qua chính sách thuế. Ngoài thuế xuất, nhập khẩu vàng, có thể sẽ áp dụng thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập nhằm làm giảm tính hấp dẫn của mua bán, tích trữ vàng miếng, hạn chế “vàng hóa” tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Hiện nay, trên cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM. Số lượng các doanh nghiệp tính đến thời điểm này là 8 công ty, trong đó sản phẩm vàng miếng của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn-SJC chiếm 90% thị phần của cả nước.
 —-***—-